Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ký ban hành Quyết định số 601/QĐ-BVHTTDL về việc đưa Lễ hội truyền thống Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn (hay còn gọi là Lễ hội Quán Thế Âm 19/2 – Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là tin vui đối với TP Đà Nẵng nói chúng, quận Ngũ Hành Sơn nói riêng trước thềm Xuân Tân Sửu 2021.
Nghi thức thực hiện Lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm
Lễ hội Quán Thế Âm 19/2 – Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng được tổ chức vào ngày 19/2 âm lịch hằng năm tại chùa Quán Thế Âm (số 48 đường Sư Vạn Hạnh, phường Hòa Hải). Đây là lễ hội dân gian truyền thống mang đậm yếu tố tín ngưỡng Phật giáo, gắn liền với di tích quốc gia đặc biệt - Danh thắng Ngũ Hành Sơn và đời sống tâm linh tín ngưỡng của cộng đồng địa phương, đại diện cho bản sắc văn hóa của thành phố Đà Nẵng được lưu truyền, gìn giữ đến ngày nay.
Hàng vạn tăng ni phật tử và người dân tham dự Lễ vía chính thức Đức Bồ tát Quán Thế Âm vào sáng ngày 19/2 âm lịch
Được biết, để mở ra một sinh hoạt văn hóa tâm linh, ngày 19-02-1956, nhân dịp tổ chức lễ khánh thành chùa Quán Thế Âm (Ngũ Hành Sơn- Đà Nẵng), được sự cho phép của Giáo hội Phật Giáo lúc bấy giờ, Hòa thượng Thích Pháp Nhãn (người khai sơn chùa Quán Thế Âm) đã thành lập Hội phổ Quan Âm và trực tiếp làm trưởng ban tổ chức Ngày Lễ vía Quan Âm tại chùa, lấy tên gọi là Ngày hội Quan Âm với sự tham gia của hàng chục ngàn Chư tăng ni tín đồ Phật giáo, nhân dân địa phương trong vùng và các nơi khác về tham dự. Từ đó, vào ngày 19-2 âm lịch hàng năm, ngày hội lễ vía Quán Thế Âm được tổ chức. Đây chính là mốc đầu tiên tiên khởi nên Lễ hội Quán Thế Âm ngày hôm nay.
Thanh Lài