Một đời cùng đá
Người đăng tin: Sinh Lê Kim Huỳnh Ngày đăng tin: 19/02/2021 Lượt xem: 161

Bằng tình yêu, sự khéo léo, phụ nữ làng nghề đá dưới chân núi Ngũ Hành góp phần làm nên những tuyệt tác đá bằng đôi tay tài hoa và trái tim đầy xúc cảm của mình.

Chị Trương Thị Mỹ Linh phác thảo bản sao tượng Bồ tát Quán Thế Âm.

1. “Đàn bà làng ni, cha mẹ đẻ ra trên cục đá nên một đời sống chết với nghề đá…”. Đó là tâm sự như rút ra từ ruột gan của bà Lê Thị Kim Loan (trú số 18 Nguyễn Duy Trinh, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, con gái của nghệ nhân Lê Quang Châu (còn gọi là ông Trì, đã mất) - người trực tiếp biên soạn và bố trí các câu liễn thờ ở Đền thờ Thạch nghệ Tổ sư ở Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. 60 tuổi, đôi bàn tay bà chai sần vì một đời đẽo gọt đá trông như một tác phẩm thời gian hóa đá. Tuổi thơ của những người đàn bà làng nghề điêu khắc là một tảng đá vô tri được con người thổi hồn hóa thành những pho tượng biết đi đứng, biết khóc biết cười.

Sinh ra trong gia đình có mấy đời làm nghề điêu khắc đá, bà Loan chập chững bước vào nghề từ lúc nào cũng không nhớ nữa. “Hồi nhỏ, thấy cha mẹ làm thì bắt chước. Ban đầu còn vụng về lắm. Đẽo quả trứng mà méo trước, méo sau. Cứ học lóm hoài mà thành nghề…”. Chẳng mấy chốc những đứa trẻ ở làng nghề đá như bà Loan theo thời gian lớn lên trở thành những người thợ lành nghề, có thể làm được tất cả công đoạn, từ ra phôi, phác họa mẫu tượng đến tiện đá, mài và đánh bóng…

Lâu nay người ta cứ nghĩ, nghề điêu khắc đá là nghề dành riêng cho đàn ông bởi nó nặng nhọc và đòi hỏi kỹ thuật cao. Nhưng mấy ai biết được, đằng sau những xưởng mù mịt bụi đá và tiếng rin rít của các loại máy tiện, máy mài kia là bóng dáng những người đàn bà tài hoa không kém gì nam giới. Thời bà Loan, đàn bà làm nghề đá theo kiểu cha truyền con nối. Tất cả đều làm bằng tay với những dụng cụ thô sơ như rìu, búa, giũa. Nên mặt hàng của làng nghề cũng chỉ quay quanh những vật dụng đời thường như cối giã, cối xay bột, vòng tay, dây đeo, hoặc những đồ trang trí phong thủy, bia mộ…

Bây giờ, nghề đá đã có thêm máy móc hỗ trợ nên thợ làm nghề cũng chia theo nhiều công đoạn. Ban đầu những người đàn ông khỏe mạnh sẽ xẻ đá ra phôi. Có những tượng cao gần chục mét phải dùng xe cẩu, máy cưa mới làm được. Sau đó có người phác họa theo mẫu trên khối đá và thợ điêu khắc bắt đầu tỉ mỉ chạm khắc cho đến khi tác phẩm hoàn thành. Cuối cùng là mài và đánh bóng sản phẩm. Chính vì sản phẩm ngày càng đa dạng vượt qua nhu cầu dân dụng thường ngày trước đây nên đàn bà làng đá theo nghề phải lùi dần vào các khâu phụ như mài, đánh bóng. Chỉ một số người, đếm trên đầu ngón tay là tham gia phác họa, điêu khắc những sản phẩm cỡ lớn đòi hỏi kỹ thuật cao.

Chị Đàm Thị Thu Thủy - một trong những người thợ mài, đánh bóng có tiếng ở Làng nghề đá mỹ nghệ Non nước đang cần mẫn mài giũa từng sản phẩm

2. 25 năm trước, khi chị Lê Thị Hòa Bình (SN 1976, tổ 38, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) có ý định học nghề điêu khắc đá thì ai trong gia đình nhà chồng cũng khuyên can rằng: “Nghề làm đá xưa nay là nghề của đàn ông, đàn bà làm mấy việc nhẹ như đánh bóng hoặc phụ chồng buôn bán. Bon chen làm gì cho mệt xác”. Dường như thế giới của đá đã “hớp hồn” chị từ lúc về làm dâu làng nghề dưới chân Ngũ Hành Sơn. Ngày nào đi ra đi vô cũng thấy đá. Những khối đá vô tri qua bàn tay của anh Lê Thắng, chồng chị bỗng hóa thành những vũ nữ Ap-sa-ra buồn diệu vợi, hay những bức tượng Phật mang vẻ đẹp tâm linh thuần khiết.

Thấy vợ mê đá đến nỗi bỏ nghề thợ may từ thời con gái, chồng chị đành thu nạp “đồ đệ” vợ và truyền thụ nghề điêu khắc đá gia truyền của gia đình. Không phụ công dạy dỗ của “sư phụ”, chỉ vài năm sau chị Bình đã trở một người thợ lành nghề, có thể tạc bất cứ sản phẩm khó nào theo yêu cầu của khách. Hôm gặp anh Lê Thắng tại cơ sở sản xuất đá tư gia, anh cười tự hào khoe về vợ: “Bả không phải là con nhà nòi nhưng mê đục đẽo lắm. Nếu đàn ông làm được 100% thì bả cũng không kém cạnh chút mô. Đàn bà như bả chừ thuộc loại “của hiếm” ở làng nghề ni đó!”.

Người ta bảo, ở đời hơn nhau ở chữ duyên. Mấy chục năm, từ khi “phải duyên” với nghề tạc tượng đá nhưng chị Bình vẫn không bao giờ quên bài học đầu tiên mà người “thầy” chồng dạy cho. Đó là tỷ lệ số đo trên cơ thể con người. Chiều cao của tượng thường lấy chiều dài đầu làm đơn vị tính. Người Việt thì chiều cao từ 7 đầu rưỡi đến 8 đầu. Người ngoại quốc thì 8 đầu rưỡi đến 9 đầu. Cứ thế mà tính cho rành rẽ cân phân.

Nghề tạc tượng tuy phải làm theo mẫu có sẵn nhưng mỗi người thợ đều phải biết cách đưa cảm xúc của mình vào đá để tạo nên thần thái riêng của tượng. Không chỉ vậy, còn phải hiểu biết về cơ thể học để có thể tạo các cơ ở các tư thế đứng ngồi, bàn tay, bàn chân, cơ mặt sao cho sống động. Sản phẩm đầu tay chị là bức tượng Manneken Pis (Chú bé đứng tè) của của bậc thầy điêu khắc Jérome Duquesnoy (Bỉ) được chị tạc lại trên đá có chiều cao 30cm. Chỉ tiếc là hồi ấy đã bán mất mà không giữ làm kỷ niệm cho đời làm nghề của mình.

3. Dù trời đang mưa dầm dề ngày đông nhưng đường vào làng nghề đá Non Nước đây đó vẫn phủ lớp bùn bụi đá và bay bay làn bụi trắng đục như sữa. Những người đàn bà làng đá, khẩu trang che kín mặt, đôi mắt đen láy sau vành mũ chăm chú vào công việc mài, đánh bóng các sản phẩm vừa tạc xong.

Chị Trương Thị Mỹ Linh (SN 1985, số 10 Nguyễn Duy Trinh, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) đứng trước khối đá to lớn vừa được thợ ra phôi, tỉ mỉ vẽ những đường phác thảo mềm mại, tài hoa... Chị rời quê nhà Quảng Trị về làm dâu đất Ngũ Hành Sơn, một trong những “bông hoa lạc giữa rừng gươm” ở cái xứ điêu khắc đá như chị Bình. Vốn là dân kế toán chỉ quen với mấy con số nhưng sau khi lập gia đình chị đã chuyển sang nghề đá một cách ngoạn mục. Nhà chồng chị mấy đời làm nghề tạc chữ trên đá. Chồng chị vốn là thợ vẽ tài hoa, chị yêu chồng nên yêu luôn cái nghề của chồng. 10 năm nay, chị Linh đã trở thành người phụ nữ duy nhất ở làng đá Non Nước theo nghề phác họa.

Tuy rằng phác họa luôn có sẵn bản mẫu nhưng không vì thế mà công việc vẽ trên đá trở nên dễ dàng hơn. Bởi do yêu cầu của người đặt hàng, những mẫu điêu khắc ngày càng đậm chất nghệ thuật cao. Vì vậy, đòi hỏi người phác họa phải am hiểu nghệ thuật của các nền văn hóa, tôn giáo khác nhau. Khách đến đặt hàng không chỉ là các pho tượng tôn giáo quen thuộc như Đức Phật Thích Ca, Bồ tát Quán Thế Âm, Phật Di Lặc hay Chúa Jesus… mà còn rất nhiều những tượng nghệ thuật châu Âu thời Phục hưng.

Một ngày làm việc của chị Linh bao giờ cũng bắt đầu từ sáng sớm. Đó là thời khắc tâm hồn trong trẻo nhất. Đứng trước những phôi đá thô ráp, chị luôn hình dung bản vẽ mẫu trong đầu rồi cứ thế đôi tay lướt nhẹ theo dòng cảm xúc. Mỗi bản phác thảo mất đến hai ngày mới xong. Rồi cho khách hàng xem có cần thay đổi gì không mới cho thợ điêu khắc. Bởi bản thảo là bước đầu góp phần làm nên chất lượng sản phẩm. Hôm chúng tôi đến, chị đang phác thảo bản sao tượng Pieta (Đức Mẹ sầu bi), một tác phẩm lừng danh của Michelangelo - nhà điêu khắc lừng danh thời kỳ Phục hưng Ý - cho một khách hàng ở Mỹ.

Trong cái thế giới mênh mông của đá, các pho tượng vừa tạc xong đang được những người đàn bà lam lũ mài giũa, đánh bóng. Đôi tay cầm máy mài rung lên từng hồi rin rít như nghiến vào không gian mịt mù ẩm ướt. Chị Đàm Thị Thu Thủy, quê Điện Nam Bắc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), đã 25 năm làm dâu làng đá và là một trong những người thợ mài, đánh bóng có tiếng ở làng nghề. Xưa chị cầm cuốc làm ruộng, khi chuyển qua cầm máy đánh bóng lúc đầu mỏi nhừ cả tay vì độ rung lắc quá mạnh. Giờ thì quen rồi, chị bảo, mỏi tay nhưng có thu nhập cao hơn để nuôi 3 đứa con ăn học.

Dù “được sinh ra trên đá” như bà Loan hay làm dâu làng nghề như chị Bình, chị Linh, chị Thủy đi chăng nữa thì họ đã vì chồng con, vì làng nghề mà đã chọn cách sống một đời cùng đá; góp phần làm nên những tuyệt tác đá bằng đôi tay tài hoa và trái tim đầy xúc cảm của mình.

Theo Báo Đà Nẵng

Chuyên mục, tin tức liên quan:
Tìm kiếm Tìm kiếm nâng cao >>

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

0 0 3 7 5 3 2 0 3 6
Hôm nay: 9.403
Hôm qua: 5.516
Tuần này: 14.919
Tháng này: 225.643
Tổng cộng: 37.532.036