Trong những năm qua, các cấp bộ Đoàn và các đơn vị trường học trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn đã chú trọng và đẩy mạnh các chương trình, hoạt động ngoại khóa hướng học sinh về các giá trị lịch sử địa phương.
|
Lễ kết nạp Đội của 80 Nhi đồng tiêu biểu khối 3 năm học 2022-2023 của Trường TH Lê Văn Hiến tại Nhà truyền thống khu 3 Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn |
Cô Phạm Thị Thanh Minh - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Hiến cho biết: Việc tổ chức kết nạp ở Nhà truyền thống khu 3 Hòa Hải- địa điểm ghi nhiều dấu ấn chiến công của ông cha, thế hệ đi trước sẽ giúp các em hiểu biết sâu sắc về truyền thống của dân tộc, niềm vinh dự, tự hào của các em được nhân lên, từ đó rèn luyện ý chí phấn đấu, tu dưỡng để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Cùng với việc dạy văn hóa, để học sinh hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa, lịch sử cũng như những truyền thống tốt đẹp của ông cha, hằng năm, các nhà trường trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa như cho học sinh đi tham quan các di tích lịch sử để tạo hứng thú học tập cho các em, nhằm giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ; nhất là vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn như Ngày sinh nhật Bác (19/5), Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7)... Qua mỗi lần tham quan, một số trường học cho học sinh viết bài giới thiệu về lịch sử hình thành, biện pháp bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di tích. Đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, bởi thông qua đó nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
|
Các cấp bộ đoàn của quận Ngũ Hành Sơn bằng những việc làm thiết thực thường xuyên tổ chức đoàn viên, thanh thiếu nhi thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có công bằng những việc làm mang tính giáo dục sâu sắc. |
Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Phước Trường- Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ngũ Hành Sơn cho biết, việc tổ chức các tiết học thực tế gắn với các di tích lịch sử của địa phương là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương. Từ đó, các em biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn. Việc làm này là cần thiết và là một hướng đi đúng, phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện nay, bởi nội dung giáo dục truyền thống sẽ được thực hiện một cách linh hoạt, mềm dẻo, đa dạng thông qua các di tích lịch sử. Không có sự giáo dục truyền thống nào tốt hơn khi các em được hiểu về mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên, về nơi mà ông bà, cha mẹ mình đã sinh cơ, lập nghiệp. Tình yêu đất nước của mỗi người đều phải bắt nguồn từ tình yêu gia đình, làng xóm, quê hương...
Anh Nguyễn Nhớ Hoài - Bí thư Đoàn Phường Hòa Hải chia sẻ: Nhằm phát huy giá trị của hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng, thời gian qua, phát huy vai trò của tổ chức đoàn, Đoàn Phường đã chỉ đạo các chi đoàn cơ sở, đặc biệt là chi đoàn trường học thực hiện các công trình thi đua hằng năm hướng về các điểm di tích, nghĩa trang liệt sỹ. Các chi đoàn tham gia chỉnh trang, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích, nghĩa trang liệt sĩ, tổ chức cho đoàn viên thường xuyên chăm sóc, bảo vệ di tích; dâng hương tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ; kết nạp đội viên, đoàn viên tại các khu di tích lịch sử; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan, tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa, thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có công bằng những việc làm mang tính giáo dục sâu sắc.
Những hoạt động thiết thực nêu trên không chỉ giáo dục các em về văn hóa, lịch sử địa phương mà còn giúp các em hiểu hơn về truyền thống đấu tranh bất khuất, anh hùng cũng như truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn, đáp nghĩa” của dân tộc ta, động viên các em học sinh ứng xử văn hóa, văn minh trong học đường và ngoài xã hội.
Như Ý